VPN rất tiện, tuy nhiên đôi lúc lại khiến bạn không thể truy cập Netflix. Nếu bạn đang ở trong tình trạng này, thì hãy tham khảo ngay 13 cách dưới đây.
VPN là viết tắt của Virtual Private Network, tiếng Việt gọi là mạng ảo riêng. Về cơ bản, khi truy cập internet thông qua VPN, mọi dữ liệu của bạn sẽ được mã hóa và chuyển qua một quốc gia khác. VPN sẽ che hoặc ẩn đi địa chỉ IP thực của bạn. Sử dụng VPN không chỉ đảm bảo tính riêng tư mà còn giúp tăng tốc độ internet.
Còn với Netflix, ở mỗi quốc gia khác nhau họ sẽ có kho nội dung khác nhau. Nói cách khác sẽ có những show/bộ phim bạn xem được ở nước này nhưng không xem được ở nước khác. Có những người dùng sử dụng VPN để “che mắt” Netflix và xem những nội dung vốn dĩ không có quyền streaming ở quốc gia mình đang ở.
Điều này vi phạm luật streaming của Netflix, do đó họ đã chặn người sử dụng VPN. Cụ thể hơn, Netflix lập danh sách đen các địa chỉ IP do VPN tạo ra. Hay nói cách khác, nếu VPN cung cấp cho bạn một địa chỉ IP nằm trong danh sách đen, thì bạn sẽ không truy cập được Netflix.
Vậy nên đôi khi người dùng VPN sẽ nhận được thông báo lỗi khi truy cập Netflix.
Và đây là 13 cách đơn giản để bạn sửa lỗi này. Đặc biệt nhất, các cách này đều thực hiện tốt trên mọi thiết bị, từ máy tính (HĐH Windows và macOS) cho đến thiết bị cầm tay (Android, iPhone, iPad), TV thông minh và cả máy chơi game cầm tay (PlayStation, Xbox,..)
1. Kết nối lại VPN hoặc sử dụng server VPN khác
Đơn giản nhất, bạn có thể thử kết nối lại đến một server VPN khác. Lỗi có thể xảy ra vì VPN đã không thành lập được một kết nối hoàn chỉnh hoặc chính xác. Khi đó bạn cũng có thể thấy tốc độ internet chậm đi rất nhiều.
Ngoài ra, khi kết nối lại, ứng dụng VPN bạn đang sử dụng cũng có thể cho bạn một địa chỉ IP mới chưa bị vào danh sách đen của Netflix. Nếu một địa chỉ IP được nhiều người sử dụng thì Netflix rất dễ nghi ngờ và thẳng tay chặn quyền truy cập.
Bạn nên ngắt kết nối VPN, sau đó kết nối lại, hoặc dùng một server khác hoàn toàn. Có thể bạn sẽ phải thử đi thử lại vài lần mới có được địa chỉ IP chưa bị cấm.
2. Thay đổi vùng VPN
Trong đa số các ứng dụng VPN, bạn được quyền chọn quốc gia để kết nối internet tới. Vậy nên bạn có thể thay đổi vùng server để vượt qua danh sách đen của Netflix.
Nếu chưa biết chương trình bạn muốn coi sẽ khả dụng ở quốc gia nào, bạn có thể tìm kiếm trên Google với cú pháp: [Tên show] + “Netflix countries”. Khi đó Google sẽ cho bạn một danh sách các quốc gia phù hợp với tiêu chí. Và khi đổi vùng VPN, bạn chỉ cần chọn một trong các quốc gia ấy.
Ngoài đổi quốc gia, bạn cũng có thể đổi vùng (bang/tỉnh/thành phố) trong quốc gia đó nếu ứng dụng VPN của bạn có server ở nhiều chỗ trong cùng một quốc gia. Bởi vì không chỉ mỗi quốc gia mà mỗi vùng đều có địa chỉ IP riêng, do đó cách này cũng có thể giúp bạn thoát khỏi danh sách đen của Netflix.
Ngoài ra, nếu không tìm thấy server nào chưa bị chặn, bạn có thể liên hệ trực tiếp đến dịch vụ chăm sóc khách hàng của VPN và yêu cầu họ gợi ý.
3. Khởi động lại ứng dụng VPN
Nghe có vẻ hơi không liên quan, thế nhưng đôi khi lỗi lại xảy ra trên kết nối của bạn đến VPN server. Vậy nên bạn có thể thử tắt rồi khởi động lại ứng dụng để xem chúng có hoạt động bình thường trở lại hay không.
Tuy nhiên không phải lúc nào bấm nút X là cũng có thể tắt hoàn toàn ứng dụng VPN. Do đó hãy tham khảo các cách đóng hoàn toàn quá trình VPN
a) Đối với Windows
Cách 1: Nhấp chuột phải vào biểu tượng VPN tại thanh bên dưới, sau đó chọn Quit App
Cách 2: Nhấn chuột phải vào Taskbar → Task Manager → trong danh sách các ứng dụng đang chạy, nhấp chuột phải vào VPN → chọn End Process
b) Đối với macOS
AppMenu → VPN → Quit
Ngoài ra đối với cả người dùng Windows lẫn macOS, bạn nên khởi động lại máy tính khi đã tắt hoàn toàn VPN. Thao tác này giúp mọi quá trình chạy trong nền đều ngưng. Sau đó bạn có thể thử kết nối lại VPN và truy cập Netflix.
c) Đối với thiết bị cầm tay
Bước 1: Ngắt kết nối VPN
Bước 2: Thoát khỏi ứng dụng VPN và xóa ứng dụng này trong mục Recent Apps
Bước 3: Khởi động lại ứng dụng và kết nối lại.
4. Cập nhật ứng dụng VPN
Cập nhật ứng dụng rất quan trọng, vì chúng sẽ cho bạn những tính năng mới và sửa lỗi để cải thiện trải nghiệm. Chẳng hạn nếu như phiên bản cũ có một lỗi khiến kết nối VPN của bạn gặp vấn đề, thì chỉ cần cập nhật phiên bản mới (dĩ nhiên nếu bản mới kèm theo phần vá lỗi) thì mọi chuyện tự động được giải quyết.
Ngoài ra rất có thể phiên bản mới sẽ có tính năng gì đó đối phó được Netflix. Vậy nên trước khi dùng những cách phức tạp hơn, hãy thử cập nhật lại ứng dụng của mình.
Đối với máy tính, dù bạn sử dụng loại dịch vụ VPN nào, thì đa số đều có phần “Check for Update” trong phần Settings. Bạn chỉ cần vào và chọn cài đặt cập nhật.
Còn với điện thoại, chỉ cần vào App Store hoặc CH Play để kiểm tra và tải bản cập nhật.
5. Xem Netflix bằng cửa sổ ẩn danh
Khi truy cập Netflix bằng chế độ ẩn danh, chắc chắn sẽ không có tiện ích mở rộng hoặc plugin nào có thể ảnh hưởng đến quá trình tải web. Nếu trước đó truy cập không được, mở bằng cửa sổ ẩn danh lại truy cập được, thì tức là có một tiện ích mở rộng nào đó đang gây ra lỗi.
Khi đó, bạn có thể tắt từng tiện ích mở rộng để xác định chính xác đâu là nguyên nhân gây ra lỗi khi truy cập Netflix.
Ngoài ra, ở chế độ ẩn danh, bộ nhớ đệm, cookies và site data sẽ không ảnh hưởng đến Netflix. Vậy nên cách này cũng có thể giúp bạn xác định liệu bộ nhớ đệm có phải là nguyên nhân khiến thuật toán bảo mật của Netflix chặn bạn hay không.
Nếu vấn đề quả thực nằm ở bộ nhớ đệm, bạn có thể thử xóa dữ liệu duyệt web (cách 11).
Dưới đây là cách mở chế độ ẩn danh
a) Trên Google Chrome
Cách 1: Dùng phím tắt: Ctrl + Shift + N
Cách 2: Nhấp vào biểu tượng ba chấm dọc thẳng hàng ở góc trên bên phải trình duyệt → chọn “New incognito window” (mở cửa sổ ẩn danh mới)
b) Trên Firefox
Cách 1: Dùng phím tắt Ctrl + Shift + P
Cách 2: Nhấp vào biểu tượng ba thanh ngang ở góc trên bên phải trình duyệt → chọn “New Private Window” (mở cửa sổ riêng tư mới)
c) Trên Microsoft Edge
Cách 1: Dùng phím tắt Ctrl + Shift + N
Cách 2: Nhấp vào biểu tượng ba chấm ngang thẳng hàng ở góc trên bên phải trình duyệt → chọn “New InPrivate window”
d) Trên Safari (macOS)
Cách 1: Dùng phím tắt Command + Shift + N
Cách 2: Nhấp vào File ở góc trên bên trái trình duyệt → chọn “New Private Window”
6. Dùng trình duyệt web khác
Có rất nhiều người cho biết khi đổi trình duyệt web thì lỗi không truy cập được Netflix cũng biến mất. Có vô số lý do lý giải cho cách giải quyết đơn giản này, đó có thể là cách tiếp cận khác nhau của các trình duyệt khác nhau, hoặc trình duyệt bạn đang sử dụng bị lỗi,…
Vậy nên trước khi dùng cách khác, cứ thử cách đơn giản này xem sao nhé. Thông thường VPN có thể hoạt động trên mọi trình duyệt web phổ biến, chẳng hạn Google Chrome, Firefox, Edge hoặc Safari.
7. Dùng một dịch vụ VPN khác
Hiện nay có rất nhiều ứng dụng VPN, và mỗi ứng dụng chắc chắn sẽ có sự khác biệt về tính năng và dịch vụ. Vậy nên bạn có thể đổi qua một ứng dụng VPN khác để xem chúng có truy cập được Netflix hay không.
Trên thị trường, NordVPN là một dịch vụ VPN khác ổn định, không chỉ hoạt động tốt trên Netflix mà còn cải thiện tốc độ duyệt web, đồng thời đảm bảo vấn đề bảo mật. Ngoài ra NordVPN còn có tính năng IP chuyên dụng (dedicated IP) và server xáo trộn, giúp bạn “ngụy trang” khỏi hệ thống Netflix.
8. Kiểm tra VPN Leak
VPN leak hoặc DNS leak tức là tình trạng quốc gia gắn địa chỉ IP của bạn không khớp với server DNS mà bạn đang kết nối tới. Khi đó Netflix phát hiện ra bạn và chặn bạn truy cập.
Tình trạng này rất hay gặp khi bạn sử dụng các VPN miễn phí hoặc giá rẻ. Vì các dịch vụ này thường cung cấp các địa chỉ IP giống nhau và chất lượng thấp cho hàng loạt người dùng. Vậy nên bạn hãy thử dùng một ứng dụng VPN nào đó chất lượng hơn
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng ứng dụng VPN leak test của Astrill để xác định xem mình có đang gặp phải vấn đề này hay không. Nếu có, hãy liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng của dịch vụ VPN và yêu cầu họ giải quyết. Sau khi đã giải quyết, hãy làm theo cách #1 để kết nối lại VPN mới.
9. Tắt chế độ theo dõi địa điểm trong trình duyệt web
Netflix đôi khi cũng kiểm tra chéo địa điểm được báo cáo trong trình duyệt web và địa chỉ trong IP để xem chúng có khớp nhau hay không. Và nếu không khớp nhau, thì bạn cũng biết chuyện gì sẽ xảy ra rồi đó.
Vậy nên để tránh tình trạng này, hãy tắt chế độ theo dõi địa điểm trong trình duyệt web. Cách làm như sau:
a) Đối với Google Chrome
- Mở Chrome
- Truy cập website Netflix
- Bên cạnh URL có một biểu tượng (thường là biểu tượng ổ khóa), bấm vào đây
- Trong menu hiện ra, chọn Site settings
- Một cửa sổ mới hiện ra với nhiều tùy chọn. Hãy thay đổi phần Location sang Blocked. Các thay đổi sẽ được lưu tự động
- Cuối cùng, bấm tải lại trang Netflix
b) Đối với Safari
- Mở Safari
- Truy cập website Netflix
- Trên menu phía bên, chọn Safari
- Trong menu mới xuất hiện, chọn Settings for this website
- Một cửa sổ mới mở ra, tìm phần Location và chọn Deny
- Cuối cùng, bấm tải lại trang Netflix
Ngoài ra sử dụng chế độ ẩn danh (cách #5) cũng có thể giúp bạn che giấu địa điểm. Tuy nhiên vì chế độ này không lưu lại lịch sử duyệt web, gây bất tiện cho một số người dùng. Vậy nên dùng cách này để bỏ phần theo dõi địa điểm sẽ ổn hơn.
10. Tắt WebRTC trong trình duyệt web
WebRTC là một chuỗi những công nghệ để website này có thể giao tiếp với website khác nhằm cải thiện hiệu suất. Và WebRTC cũng yêu cầu các trình duyệt web lộ ra IP thật của mình.
Khi đó, Netflix có thể khai thác WebRTC để tìm ra người sử dụng VPN. Vậy nên đây có thể là nguyên nhân khiến bạn không truy cập được Netflix.
Bạn có thể thử tắt WebRTC trong trình duyệt web. Cách làm như sau:
a) Đối với Google Chrome
- Mở Chrome
- Chuyển sang Chrome web store để đến các tiện ích mở rộng
- Gõ WebRTC Control trên thanh tìm kiếm
- Thêm tiện ích này vào Chrome
- Sau đó, khi truy cập Netflix, hãy tắt WebRTC đi. Nếu WebRTC đã tắt, bạn sẽ thấy biểu tượng màu xám nhạt.
- Cuối cùng, tải lại trang Netflix
b) Đối với Safari
- Mở Safari
- Ở menu phía trên, chọn Preferences
- Chọn tab Advanced và tick vào tùy chọn Show Develop menu in menu bar
- Sau đó, nhấp vào Develop trên thanh menu, rồi di chuột xuống phần Experimental Features.
- Trong menu xổ xuống, hãy chọn Remove Legacy WebRTC API. Ngoài ra bỏ chọn hết các tùy chọn WebRTC còn lại
- Cuối cùng, tải lại trang Netflix
11. Xóa cookies và cache (bộ nhớ đệm)
Cookies là những phần dữ liệu nhỏ mà trình duyệt web lưu trữ tại chỗ để cải thiện trải nghiệm duyệt web. Chẳng hạn tính năng điền tự động vào các biểu mẫu là một kiểu cookies. Cookies cũng sẽ ghi nhớ bạn đã đăng nhập vào một website cụ thể nào đó, đặc biệt là Netflix.
Ngoài ra, trình duyệt web cũng thường lưu trữ các phần của website bạn đã truy cập dưới dạng cache. Khi đó, nếu bạn truy cập lại website nào đó, trình duyệt web sẽ tải nhanh hơn, vì không cần tải lại toàn bộ website từ đầu.
Nhìn chung, cookies và cache giúp trải nghiệm duyệt web của bạn nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Mặc dù vậy chính cookies và cache có thể ảnh hưởng đến quá trình truy cập Netflix. Ngoài ra cookies và cache cũng có thể để lộ địa chỉ thật của bạn, khiến VPN trở nên mất tác dụng.
Vậy nên nếu thường xuyên gặp lỗi khi truy cập Netflix, hãy xóa cookies và cache. Tuy nhiên sẽ có một khuyết điểm nhỏ, đó là bạn sẽ phải đăng nhập lại tất cả tài khoản, vì mọi thông tin đăng nhập đều cũng bị xóa theo cookies và cache rồi.
Cách xóa như sau:
a) Đối với Google Chrome
- Đầu tiên, truy cập lịch sử duyệt web bằng tổ hợp phím tắt Ctrl + H. Hoặc có thể chọn nút menu ở góc trên bên phải và chọn History
- Ở trang tiếp theo, chọn Clear Browsing Data ở phần trên trái
- Ở dưới phần Basic, tick chọn tất cả. Bạn cũng có thể chọn thêm “All time” (tức là xóa hết tất cả). Sau đó chọn Clear Data
b) Đối với Safari
- Đầu tiên, khởi động Safari, chọn Safari ở Menu Bar và chọn Preferences…
- Tại cửa sổ tiếp theo, chọn Advanced ở thanh bên trên, tick chọn “Show Develop menu in bar”
- Tiếp theo, từ Menu Bar nhấp vào Develop và chọn Empty Caches.
- Sau đó, từ Menu Bar, nhấp vào Safari và chọn “Clear History…”
- Cuối cùng, chọn Clear History ở pop-up
c) Đối với Microsoft Edge
- Đầu tiên, tắt đồng bộ. Bởi vì những thứ được đồng bộ khi xóa trên thiết bị này cũng sẽ bị xóa trên tất cả thiết bị kia
- Chọn Settings and more…> Settings > Privacy, search and services
- Dưới phần Clear browsing data, chọn Choose what to clear
- Chọn khoảng thời gian mà bạn muốn xóa dữ liệu trong khoảng thời đó trong phần Time range
- Chọn loại dữ liệu bạn muốn xóa
- Cuối cùng, chọn Clear now
12. Sử dụng địa chỉ IP chuyên dụng
Như đã nói ở phần mở đầu, Netflix xác định bạn có sử dụng VPN hay không nhờ vào địa chỉ IP.
Nếu sử dụng VPN miễn phí hoặc giá rẻ thì 1 địa chỉ IP sẽ được phân cho rất nhiều người, làm tăng nguy cơ bị đưa vào tầm ngắm. Vậy nên các ứng dụng VPN hiện nay đều có thêm dịch vụ cung cấp địa chỉ IP chuyên dụng cá nhân chỉ dành riêng cho 1 người.
Khi ấy chắc chắn bạn sẽ không còn gặp các vấn đề khi truy cập Netflix nữa. Tuy nhiên cần nhớ loại dịch vụ này khá đắt đỏ.
13. Liên hệ bộ phận chăm sóc khách hàng của dịch vụ VPN
Nếu bạn đã thử tất cả các cách nhưng vẫn không truy cập được Netflix bằng VPN, thì hãy thử liên hệ thẳng bộ phận chăm sóc khách hàng của ứng dụng VPN mình đang sử dụng. Đừng ngần ngại, vì cũng có rất nhiều người ở trong tình trạng tương tự. Biết đâu họ lại cho phép bạn kết nối với một vài server đặc biệt nào đó.
Kết luận
Xem thêm: 14 cách khắc phục lỗi Download trên Netflix đơn giản mà hiệu quả