Với sự xuất hiện của các dịch vụ lưu trữ trực tuyến như iCloud hoặc Google Drive, một số người cho rằng không cần thiết phải trang bị thêm ổ cứng ngoài cho Macbook. Tuy nhiên, bạn vẫn nên sử dụng nhiều hình thức sao lưu dữ liệu Macbook (sao lưu cục bộ và sao lưu từ xa) phòng khi cần.
Nếu bạn muốn chắc chắn rằng bạn sẽ không gặp tình trạng mất dữ liệu, chúng tôi sẽ đưa ra những phương pháp tốt nhất giúp bạn sao lưu dữ liệu Macbook cũng như bảo mật thông tin.
Các phương pháp này cũng hoạt động hiệu quả trên hệ điều hành MacOS Big Sur.
1. Định dạng ổ đĩa một cách phù hợp
Nếu bạn có ý định sử dụng ổ cứng ngoài hoặc SSD để sao lưu dữ liệu Macbook, bạn nên định dạng nó cho phù hợp với hệ thống tệp mở rộng MacOS – bởi vì bên cạnh một số ngoại lệ, hầu hết các ổ cứng ngoài không được định dạng trước để phù hợp với Macbook.
Bước 1: Kết nối ổ đĩa mới với Macbook
Nếu bạn sử dụng ổ đĩa cũ, mọi thứ sẽ phức tạp hơn nếu bạn đã từng lưu trữ dữ liệu trên đó. Việc định dạng lại sẽ xóa mọi dữ liệu cũ mà bạn đã lưu trữ trên ổ đĩa, vì vậy bạn nên kiểm tra kỹ và chuyển mọi dữ liệu quan trọng sang một thiết bị khác trước khi thực hiện.
Bước 2: Khởi chạy Disk Utility
Trong thanh menu của Macbook, nhấp vào Go, sau đó nhấp vào Utilities. Trong cửa sổ hiện ra, hãy mở Disk Utility.
Bước 3: Tìm ổ đĩa bạn muốn định dạng lại
Tất cả các ổ đĩa trên Macbook sẽ được liệt kê trong Disk Utility, vì vậy hãy chọn đúng ổ đĩa bạn cần.
Bước 4: Xóa ổ đĩa
Chọn Erase trong cửa sổ Disk Utility, xác nhận lại và đổi tên ổ đĩa- bạn nên gọi nó là “sao lưu Macbook” nếu bạn chủ yếu sử dụng ổ đĩa này để sao lưu dữ liệu Macbook.
Bước 5: Chọn định dạng mới
Bạn sẽ được yêu cầu chọn một định dạng mới, bao gồm Extended (Journaled), Extended (Case-sensitive, Journaled), Extended (Journaled, Encrypted)… Định dạng của Mac OS Extended (Journaled) là Journaled HFS Plus, có chức năng lưu giữ tất cả dữ liệu một cách có tổ chức.
Tùy chọn Encrypted yêu cầu xác minh mật khẩu và dãy mã hóa, còn tuỳ chọn Case- sensitive giúp phân biệt các thư mục bằng các chữ cái viết hoa và viết thường. Hãy lựa chọn những tuỳ chọn phù hợp- chúng tôi đề xuất định dạng thứ tư, bao gồm cả ba khả năng nếu bạn chưa thể xác định mình sắp sửa làm gì.
2. Sao lưu lượng lớn dữ liệu bằng Time Machine
Time Machine cho phép bạn sao lưu dữ liệu Macbook bằng các bản sao lưu tự động và theo lịch trình. Nếu việc liên tục kết nối ổ đĩa ngoài với Macbook không làm bạn cảm thấy phiền phức thì Time Machine là một gợi ý không tồi; nó sẽ thực hiện rất nhiều thao tác trong quá trình sao lưu. Dưới đây là những việc cần làm để kích hoạt nó:
Bước 1: Mở Time Machine và đảm bảo rằng nó đã được kích hoạt
Bạn có thể tìm thấy Time Machine trong System Preferences nằm trong thanh công cụ. Có một hộp kiểm ở bên trái của cửa sổ Time Machine được gọi là “Back Up Automatically” – hãy đánh dấu vào hộp kiểm này để bật Time Machine.
Bước 2: Chọn ổ đĩa thích hợp
Tại ô Select Disk, hãy chọn ổ đĩa để sao lưu dữ liệu Macbook. Nếu bạn đã hoàn thành các bước định dạng trong phần đầu tiên thì công đoạn này cực kỳ đơn giản, tuy nhiên bạn cần phải nhập mật khẩu cho ổ đĩa đã được mã hóa.
Bước 3: Kiểm tra phần Option
Dưới nút Option, bạn có thể chọn khối lượng dữ liệu bạn muốn sao lưu, điều này rất hữu ích nếu bạn không muốn lưu tất cả dữ liệu hiện có trên MacOS.
Time Machine sẽ tự động bắt đầu sao lưu dữ liệu Macbook và cho phép bạn truy xuất dữ liệu cũ từ 24 giờ trước nếu có sự cố xảy ra- cũng như dữ liệu từ bất kỳ ngày nào trong tháng trước và mọi dữ liệu hàng tuần kể từ khi Time Machine bắt đầu hoạt động.
3. Lưu trữ dữ liệu trên ổ đĩa một cách chọn lọc bằng phương pháp thủ công
Phương pháp sẽ rất tiện lợi nếu bạn chỉ muốn sao lưu dữ liệu Macbook đối với các tệp cụ thể – một giải pháp phù hợp hơn khi lựa chọn lưu trữ vào một loại phương tiện cụ thể hoặc chỉ sao lưu những gì liên quan đến công việc.
Bước 1: Mở Finder
Bạn có thể mở cửa sổ Finder bất cứ lúc nào từ thanh Dock. Nhìn vào phía bên trái của cửa sổ Finder để xem liệu ổ cứng ngoài của bạn đã được kết nối hay chưa. Thông thường, nếu ổ đĩa được kết nối và định dạng đúng, bạn sẽ nhìn thấy nó ở đây. Nếu không, hãy nhấp vào Finder rồi đến Preferences trong thanh menu và chọn Sidebar, nơi bạn có thể chọn tùy chỉnh những gì xuất hiện trong thanh bên của Finder. Đảm bảo rằng ổ đĩa của bạn được thiết lập để xuất hiện ở đó.
Bước 2: Tạo những thư mục cần thiết
Các tệp bạn muốn sao lưu có thể đã nằm trong các thư mục thích hợp và được sắp xếp theo trình tự, như vậy, bạn có thể bỏ qua bước này. Nhưng nếu các tệp đang bị phân tán, hãy truy cập biểu tượng thư mục trong Finder và tạo các thư mục mới để nhóm các dữ liệu quan trọng lại theo một cách hợp lý.
Bước 3: Di chuyển các thư mục đến ổ đĩa ngoài
Kéo và thả các thư mục bạn muốn sao lưu vào ổ đĩa ngoài trong thanh bên; chúng sẽ được tự động sao chép vào ổ cứng đó. Nếu bạn đang tìm kiếm một tệp cụ thể để lưu giữ nhưng không thể tìm thấy nó, hãy sử dụng chức năng tìm kiếm ở phần trên bên phải của màn hình Finder để kiểm tra.
4. Các giải pháp sao lưu của bên thứ ba
Có một tùy chọn khác giúp bạn sao lưu dữ liệu trên Macbook một cách khá dễ dàng: các giải pháp sao lưu của bên thứ ba như Carbonite hoặc CrashPlan. Cả hai công ty này đều cung cấp các dịch vụ sao lưu với giá cả phải chăng và cấu hình dễ sử dụng dành cho cả Mac và Windows. Bất kể bạn quyết định lựa chọn công ty nào, sau khi đăng ký, bạn đều sẽ được yêu cầu tải xuống và cài đặt ứng dụng sao lưu tương ứng, sau đó bạn có thể bắt tay vào sao lưu ngay lập tức. Tất cả dữ liệu được sao lưu vào Carbonite hoặc CrashPlan được lưu trữ an toàn trên máy chủ và có thể được khôi phục bất cứ lúc nào.
Hơn nữa, quá trình sao lưu ban đầu sẽ mất một khoảng thời gian, tùy thuộc vào số lượng dữ liệu bạn sao lưu. Lý do nó mất nhiều thời gian hơn là vì tốc độ tải lên của ISP có giới hạn. Không có gì lạ khi quá trình sao lưu ban đầu có thể sẽ mất tận vài ngày nếu bạn sao lưu vài trăm gigabyte (hoặc thậm chí hàng terabyte) dữ liệu.
Tuy nhiên, các dịch vụ này sử dụng các phương pháp sao lưu gia tăng tương tự như Time Machine của Apple sau khi quá trình sao lưu ban đầu hoàn tất. Điều đó có nghĩa là họ chỉ tải lên các thay đổi mà bạn thực hiện về sau, vì vậy các máy chủ dự phòng sẽ có phiên bản mới nhất của mọi thứ. Bạn nên sao lưu theo gia số thay vì lưu một lượng lớn dữ liệu để hợp lý hóa quá trình sao lưu trên Macbook của mình.
Về giá cả, Carbonite có mức giá thấp nhất khoảng $6/ tháng đi kèm với các tiện ích bổ sung như mã hóa 128- bit, sao lưu đám mây tự động và truy cập từ xa vào các tệp; cho phép bạn tiếp cận với bộ phận hỗ trợ khách hàng hoạt động 24/7. Bạn thậm chí còn nhận được thêm một ổ cứng ngoài phục vụ cho việc sao lưu.
Bên cạnh đó, mức giá khởi điểm của CrashPlan nằm ở khoảng $10/ tháng và bạn sẽ nhận được các tính năng kèm theo như bảo vệ ổ cứng ngoài, khôi phục ứng dụng trên máy tính để bàn, nhóm hỗ trợ chuyên dụng và mã hóa 256- bit. Tuy nhiên, gói $10/ tháng này chỉ sao lưu duy nhất một máy tính, vì vậy nếu bạn muốn sao lưu nhiều hơn một máy, bạn sẽ phải trả khoản phí này cho mỗi máy riêng biệt.
Cả hai dịch vụ kể trên đều cung cấp bộ nhớ không giới hạn cho các bản sao lưu của bạn. Ngoài ra, chúng đều cung cấp thời gian dùng thử 30 ngày, vì vậy, bạn có thể thử trải nghiệm chất lượng trước khi đưa ra lựa chọn chính thức nhé.