So sánh 4 dịch vụ phát nhạc trực tuyến lớn nhất hiện nay

Giờ đây việc nghe nhạc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều khi cả kho âm nhạc nằm trọn trong lòng bàn tay của bạn. Sự xuất hiện của vô số những dịch vụ phát nhạc trực tuyến có thể khiến bạn choáng ngợp. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra so sánh khách quan nhất giữa các nền tảng và giúp bạn có được lựa chọn tốt nhất.

So sánh dịch vụ nghe nhạc trực tuyến

Tiêu chí đánh giá một dịch vụ phát nhạc trực tuyến

Mỗi dịch vụ phát nhạc trực tuyến có một thế mạnh riêng, nhưng việc lựa chọn dịch vụ nào lại phụ thuộc vào thiết bị của bạn và liệu bạn có coi trọng sự tiện lợi hơn giá cả hay chất lượng âm thanh hay không. Dưới đây là một số tiêu chí cần cân nhắc khi lựa chọn một dịch vụ phát nhạc trực tuyến:

  • Giá cả và gói dịch vụ:

Hầu hết các dịch vụ đều cung cấp các gói như: Gói miễn phí siêu cơ bản, gói giảm giá cho sinh viên, gói cá nhân và gói gia đình. Một số dịch vụ thậm chí còn đưa ra các gói chiết khấu cho quân nhân hay gói tiết kiệm hơn cho 2 người sống cùng nhau.

  • Danh mục và danh sách phát:

Các dịch vụ phát trực tuyến thường có ít nhất 50 đến 60 triệu bài hát. Ngoài ra một số dịch vụ tạo sự khác biệt bằng cách cung cấp các tính năng bổ sung như: Sách nói, podcast hoặc video.

Các dịch vụ phát nhạc trực tuyến lớn còn cung cấp thêm các công cụ mở rộng để khám phá âm nhạc và cập nhật các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới. Người dùng nên ưu tiên lựa chọn các dịch vụ có tính năng đề xuất danh sách phát theo sở thích cũng như các tùy chọn chia sẻ danh sách phát.

  • Chất lượng âm thanh:

Các dịch vụ tập trung vào chất lượng âm thanh thường cung cấp âm thanh ở định dạng 320kbps và sử dụng các loại tệp FLAC không tốn dữ liệu (hoặc các loại tệp tốn dữ liệu nhưng chất lượng cao hơn như AAC). Tuy nhiên, các loại tệp chất lượng thấp như WAV hay MP3 lại phổ biến hơn và chỉ đáp ứng tốt đối với người nghe thông thường.

Một điều cần lưu ý là các tệp âm thanh chất lượng cao hơn sẽ sử dụng nhiều dữ liệu cũng như chiếm nhiều dung lượng trên thiết bị của bạn hơn khi tải về.

  • Nền tảng hỗ trợ:

Tất cả các dịch vụ phát nhạc trực tuyến hiện nay đều có khả năng tương thích đa nền tảng và thậm chí hỗ trợ nghe trên nhiều thiết bị: từ ứng dụng phát triển dành cho máy tính để bàn, thiết bị di động, trình phát web cho đến hệ thống radio trên xe hơi… Tất cả giúp bạn có thể thưởng thức âm nhạc mọi lúc mọi nơi.

So sánh các dịch vụ phát nhạc trực tuyến lớn nhất hiện nay

1. Spotify: Lựa chọn của đa số người dùng

Spotify là dịch vụ phát nhạc trực tuyến tốt nhất cho đại đa số người dùng. Ứng dụng có danh mục âm nhạc đồ sộ, trình quản lý danh sách phát mạnh mẽ, khả năng tương thích trên mọi thiết bị và các tùy chọn trả phí linh hoạt phù hợp với nhiều đối tượng người dùng. Không có gì khó hiểu khi Spotify là cái tên đứng đầu trong danh sách.

Giá cả và gói dịch vụ:

Bên cạnh gói miễn phí cơ bản, Spotify cung cấp 4 tùy chọn khác:

  • Gói sinh viên: 4,99 USD/tháng.
  • Gói cá nhân: 9,99 USD/tháng.
  • Gói duo (gói cho 2 người): 12,99 USD/tháng.
  • Gói gia đình (tối đa 6 người dùng): 14,99 USD/tháng.

Mỗi gói cung cấp quyền truy cập tới hơn 50 triệu bài hát (cùng với podcast và sách nói), mở khóa tất cả các tính năng khác bao gồm: phát lại theo yêu cầu, tải xuống bài hát, nghe ngoại tuyến,… Gói dành cho gia đình thậm chí còn cho phép cha mẹ chặn các bài hát chứa ca từ tục tĩu, không phù hợp.

Tính năng nổi bật:

Một tính năng nổi bật của Spotify là cho phép người dùng cá nhân hóa danh sách phát dựa trên thói quen nghe nhạc. Danh sách phát Discover Weekly cập nhật hàng tuần mang đến một loạt các đề xuất mới được chọn lọc. Ngoài ra còn có danh sách phát Daily Mix. Mỗi danh sách đều dựa trên thị hiếu cũng như sở thích âm nhạc của người dùng.

Chất lượng âm thanh:

Spotify cung cấp chất lượng âm thanh khá ở mức 320kbps với các định dạng phổ biến: MP3, M4P và MP4. Do đó Spotify không phải là lựa chọn tối ưu nếu bạn muốn thưởng thức âm thanh chất lượng cao. Tuy nhiên, Spotify cũng sử dụng các tệp được mã hóa AAC đối với trình phát web.

Nền tảng hỗ trợ:
  • Windows, Linux, macOS, iOS, Android.

Tóm lại, với danh sách phát và tính năng nổi bật, khả năng tương thích trên nhiều thiết bị cùng tùy chọn gói linh hoạt, Spotify không chỉ là dịch vụ phát nhạc trực tuyến tốt nhất về tổng thể mà còn là dịch vụ xứng với đồng tiền bạn bỏ ra.

2. Apple Music: Dành cho những tín đồ của Apple

Apple Music là lựa chọn hoàn hảo cho những người sử dụng hệ sinh thái của Apple. Apple Music sở hữu bộ sưu tập với hơn 60 triệu bài hát, trở thành một trong những danh mục nhạc trực tuyến lớn nhất hiện nay. Dịch vụ cũng có các tùy chọn để thưởng thức các nội dung gốc và độc quyền.

Giá cả và gói dịch vụ:

Apple cung cấp 3 gói dịch vụ cơ bản:

  • Gói sinh viên: 4,99 USD/tháng.
  • Gói cá nhân: 9,99 USD/tháng.
  • Gói gia đình (tối đa 6 người dùng): 14,99 USD/tháng.

Cả 3 gói đều cho phép bạn truy cập vào kho dữ liệu của Apple Music với thư viện âm nhạc khổng lồ, và nghe trực tuyến hoặc ngoại tuyến không có quảng cáo trên mọi thiết bị.

Tính năng nổi bật:

Giống Spotify, Apple Music cũng tổng hợp các bảng xếp hạng âm nhạc từ khắp nơi trên thế giới, từ đó giúp bạn dễ dàng khám phá cũng như tìm ra danh sách phát yêu thích. Cơ sở dữ liệu về lời bài hát phong phú cho phép người dùng tìm kiếm bài hát dựa trên lời bài hát hoặc xem lời bài hát khi một bài hát đang phát để hát theo.

Chất lượng âm thanh:

Apple sử dụng các tệp AAC giúp chất lượng âm thanh tuyệt vời hơn.

Nền tảng hỗ trợ:
  • Linux, macOS, iOS, iPadOS, tvOS, watchOS, CarPlay, HomePod, Windows, Android, Chrome OS, Amazon Echo, Sonos.

Apple Music không hoàn hảo, nhưng nhìn chung dịch vụ này đáp ứng mọi tính năng người dùng mong muốn ở một dịch vụ nghe nhạc trực tuyến. Thêm vào đó, thư viện nhạc khổng lồ là một điểm cộng giúp bạn tìm kiếm bài hát không giới hạn. Apple Music cũng làm rất tốt việc giúp người dùng khám phá những bản nhạc mới.

3. Deezer: Âm thanh trung thực 360

Deezer là dịch vụ phát nhạc trực tuyến của Pháp hội tụ mọi yếu tố bạn tìm kiếm ở một dịch vụ phát nhạc chất lượng cao. Ứng dụng cho phép người dùng thưởng thức các bản nhạc từ các hãng thu âm nổi tiếng trên thế giới như: Sony Music, Warner Music,…trên các thiết bị mọi lúc mọi nơi. Deezer hiện sở hữu 56 triệu bản nhạc có bản quyền cùng hơn 30.000 kênh radio khác nhau.

Giá cả và gói dịch vụ:

Ngoài gói miễn phí, Deezer cung cấp 3 gói dịch vụ có trả phí đối với từng đối tượng người dùng:

  • Gói sinh viên: 4,99 USD/tháng.
  • Gói premium: 9,99 USD/tháng.
  • Gói gia đình (tối đa 6 người dùng): 14,99 USD/tháng.

Khi đăng ký sử dụng dịch vụ của Deezer bạn sẽ được kết nối với hơn 56 triệu bản nhạc, nghe nhạc không giới hạn và không bị gián đoạn bởi quảng cáo. Giống với các dịch vụ phát nhạc trực tuyến khác, Deezer cũng cho phép người dùng tải nhạc xuống để nghe ngoại tuyến, hiển thị lời bài hát cũng như tạo danh sách phát riêng cho mình.

Tính năng nổi bật:

Ngoài âm thanh trung thực 360, Deezer còn hỗ trợ các tính năng thú vị khác điển hình là Flow. Đây là nơi lưu trữ lịch sử nghe nhạc cũng như đưa ra các đề xuất bài hát mới hoặc truy cập lại những bài hát yêu thích. Điều thú vị về Flow là nó cung cấp vô số bài hát cho bạn chỉ bằng một nút bấm và tự động điều chỉnh danh sách phát tùy theo sở thích nghe nhạc của từng người.

Chất lượng âm thanh:

Với tính năng “360 Reality Audio” tích hợp trong ứng dụng Deezer iOS và Android, người dùng sẽ được chìm đắm trong không gian âm nhạc một cách chân thực nhất.

Ngoài ra bạn có thể lựa chọn nâng cấp lên gói Deezer HiFi (14,99 USD/tháng) với âm thanh FLAC không mất dữ liệu và quyền truy cập vào các bản nhạc HiFi 360 Reality Audio, mang đến trải nghiệm nghe nhạc vô cùng sống động.

Nền tảng hỗ trợ:  
  • Windows, macOS, iOS, BlackBerry OS, Android.

Deezer không có nhiều khác biệt so với những trình phát nhạc trực tuyến khác, ngoài tính năng hỗ trợ âm thanh trung thực 360. Tuy nhiên, đây vẫn là một dịch vụ phát nhạc trực tuyến toàn diện, đáp ứng mọi nhu cầu thưởng thức âm nhạc của bạn.

4. YouTube Music: Kho âm thanh và video chất lượng

YouTube là nơi mọi người ghé đến mỗi ngày nên việc Google tạo ra một dịch vụ phát nhạc trực tuyến từ đó là điều hoàn toàn dễ hiểu. YouTube Music cho phép người dùng tìm kiếm và thưởng thức các bài hát cũng như video âm nhạc trên YouTube dựa theo thể loại, danh sách phát và đề xuất. Tuy nhiên, hiện dịch vụ này chỉ khả dụng tại một số quốc gia, rất tiếc trong đó chưa có Việt Nam.

Giá cả và gói dịch vụ

Bên cạnh phiên bản miễn phí có quảng cáo, bạn có thể đăng ký gói YouTube Premium để có trải nghiệm tốt hơn:

  • YouTube Premium sinh viên: 4,99 USD/tháng.
  • YouTube Premium cá nhân: 9,99 USD/tháng.
  • YouTube Premium gia đình (tối đa 5 người dùng): 14,99 USD/tháng.
Tính năng nổi bật:

YouTube Music cung cấp hàng triệu bản nhạc trên khắp thế giới, đồng thời thêm vào đó một vài thay đổi độc đáo. Theo đó, người dùng có thể tìm đến được MV từ bản audio của chính ca khúc đó. YouTube Music được ví như kho lưu trữ âm thanh và video vô tận, nơi bạn có thể tìm thấy cả những bản nhạc ít người biết đến nhất.

Chất lượng âm thanh:

YouTube Music cung cấp chất lượng âm thanh ở mức khá 256 kbps với các tệp định dạng AAC gây mất dữ liệu nhưng đem đến âm thanh chất lượng.

Nền tảng hỗ trợ:
  • Android, iOS, Amazon Alexa, Google Home, Sonos, Android TV, Android Auto.

Tuy giao diện hơi phức tạp, nhưng YouTube Music có các trang dành riêng để khám phá âm nhạc cũng như chức năng tìm kiếm vượt trội. Kho âm thanh và video bất tận cùng tùy chọn danh sách phát phong phú khiến YouTube Music trở thành dịch vụ âm nhạc tốt nhất dành cho những tín đồ của YouTube.

Mỗi dịch vụ phát nhạc trực tuyến đều không ngừng cải tiến về mặt công nghệ cũng như dịch vụ nhằm mang đến cho người dùng trải nghiệm âm nhạc tuyệt vời nhất. Hy vọng với một số so sánh, đánh giá ở trên, bạn đọc sẽ tìm được dịch vụ phù hợp với mình.

Chia sẻ lên:
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình Luận
Inline Feedbacks
View all comments