5 cách thiết lập tính năng bảo mật cho trẻ nhỏ trên iPhone

Ngày nay, trẻ em có xu hướng tiếp xúc khá sớm với các thiết bị công nghệ, đặc biệt là smartphone. Thế giới kỹ thuật số luôn tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn. Vì vậy, nếu bạn và con đang sử dụng dòng sản phẩm của Apple thì đừng nên bỏ qua 5 cách thiết lập tính năng bảo mật trên iPhone qua bài viết dưới đây.

1. Bảo mật Apple ID của con

Tuyến phòng thủ đầu tiên khi nói đến bảo mật thiết bị chính là mật khẩu. Khi bạn giao cho con của mình một chiếc iPhone, chúng sẽ cần tạo một Apple ID để kết nối với các dịch vụ của Apple và một mật mã để truy cập vào iPhone.

Các bậc phụ huynh hãy giúp con thiết lập một mật khẩu Apple ID mạnh với sự kết hợp của các chữ cái (chữ hoa và chữ thường), số và ký tự đặc biệt. Mật khẩu càng phức tạp bao nhiêu thì tin tặc càng khó tìm ra lỗ hổng và tấn công tài khoản của con bạn bấy nhiêu.

Để tạo mật khẩu Apple ID lần đầu, truy cập vào ứng dụng Cài đặt -> kích chọn Đăng nhập vào iPhone -> nhấp vào liên kết “Bạn không có Apple ID hoặc đã quên” -> Tạo Apple ID. Sau đó điền đầy đủ thông tin theo hướng dẫn để hoàn tất các bước đăng ký.

Một bước bảo mật bổ sung quan trọng khác là bật “Xác thực hai yếu tố” cho Apple ID của con. Tính năng này sẽ yêu cầu thông tin đăng nhập bổ sung khi người dùng truy cập tài khoản từ một thiết bị mới hoặc qua web. Vì vậy, việc cài đặt Xác thực hai yếu tố sẽ đảm bảo rằng tài khoản luôn được bảo vệ ngay cả khi một người nào đó có mật khẩu.

Thực hiện bật tính năng “Xác thực hai yếu tố” bằng cách: Truy cập vào mục Cài đặt -> Nhấn vào tài khoản ở trên cùng -> Mật khẩu và Bảo mật -> Xác thực hai yếu tố -> Thêm số điện thoại tin cậy.

Bên cạnh việc dùng số điện thoại của con làm số điện thoại để xác minh nhận dạng, phụ huynh cũng có thể thêm số của mình làm số điện thoại đáng tin cậy: Trong Số điện thoại tin cậy, nhấn chọn Chỉnh sửa -> Thêm số điện thoại của cha mẹ/ người giám hộ.

Sau đó, mỗi khi con bạn đăng nhập vào tài khoản của mình lần đầu tiên trên một thiết bị mới hoặc bằng mật khẩu mới, chúng sẽ nhận được yêu cầu nhập mật khẩu và mã gồm 6 chữ số hiển thị trên một thiết bị đáng tin cậy hoặc được gửi đến số điện thoại đăng ký.

Lưu ý: Sau khi “xác thực hai yếu tố” được bật, bạn chỉ có thể tắt tính năng này trong vòng 2 tuần kể từ khi kích hoạt. Sau thời gian giới hạn, nếu bạn không thực hiện thay đổi gì thì tính năng xác thực 2 yếu tố sẽ cài đặt mặc định trên iPhone của con bạn.

2. Cài đặt mật mã an toàn cho iPhone của con

Bước tiếp theo trong quá trình bảo mật chính là tạo mật mã để truy cập vào iPhone của con. Mật mã này có độ dài gồm 6 chữ số được Apple đề xuất theo mặc định.

Di chuyển đến ứng dụng Cài đặt -> Touch/ Face ID and Passcode. Tại đây bạn sẽ có các tùy chọn: Thiết lập mật mã, thay đổi mật mã hiện có hoặc tắt mật mã (không được khuyến nghị).

Bên cạnh việc sử dụng mật khẩu 6 chữ số mặc định, bạn cũng có thể đặt một mật mã dài hơn, phức tạp hơn để tăng mức độ bảo mật.

Tại màn hình Change Passcode -> kích chọn Passcode Options. Ở phía cuối màn hình thiết bị sẽ xuất hiện một biểu mẫu để người dùng lựa chọn các tùy chọn cài mật khẩu iPhone muốn sử dụng bao gồm: Mã chữ số tùy chỉnh, Mã số tùy chỉnh và Mã số 4 sổ.

Ngoài mật mã, các dòng iPhone thế hệ mới còn cung cấp thêm tùy chọn Touch ID (vân tay) hoặc Face ID (quét khuôn mặt) cá nhân cho người dùng, giúp thiết bị an toàn hơn và truy cập nhanh hơn so với việc nhập mật mã trong một số trường hợp nhất định.

Khi kích hoạt mật mã và Touch/Face ID trên điện thoại, iPhone của con bạn sẽ không thể truy cập được nếu không có thông tin đăng nhập thích hợp. Tuy nhiên, một số ứng dụng có khả năng truy cập được ngay cả khi iPhone bị khóa như: Siri, Trung tâm thông báo, Wallet và trả lời tin nhắn. Các ứng dụng này có thể chứa thông tin nhạy cảm của người dùng.

Để xem/ẩn các tính năng kể trên, đi tới mục Cài đặt -> Touch/ Face ID and Passcode -> [nhập mật mã]. Trong Cho phép truy cập khi bị khóa, thực hiện bật/ tắt các tính năng bạn cảm thấy an toàn hoặc không an toàn khi có thể truy cập hoặc hiển thị khi iPhone bị khóa.

3. Giới hạn thời gian sử dụng điện thoại

Lần đầu được giới thiệu trong phiên bản iOS 13, Screen Time mang đến một cách giúp cha mẹ theo dõi lượng thời gian con dành cho điện thoại. Tính năng này cho phép bạn đặt giới hạn thời gian trên mỗi danh mục ứng dụng (Ví dụ: 2 tiếng mỗi ngày trên các ứng dụng truyền thông xã hội).

Apple đã tăng cường các biện pháp bảo mật Thời gian sử dụng màn hình. Từ đó, cha mẹ có thể kiểm soát con cái họ giao tiếp với ai, những ứng dụng nào chúng có quyền truy cập cũng như quản lý loại nội dung xuất hiện trên thiết bị của trẻ. Để sử dụng tính năng Screen Time, thực hiện:

  • Mở Cài đặt -> Screen Time. Tại đây, bạn có thể thiết lập Giới hạn ứng dụng, Giới hạn giao tiếp, cũng như Giới hạn về nội dung và quyền riêng tư. Nhấn chọn Sử dụng Screen Time Passcode để yêu cầu mã nhằm loại bỏ các cảnh báo giới hạn thời gian và con sẽ không thể chiếm quyền kiểm soát của bạn.

Ngoài ra, nếu bạn đã kích hoạt dịch vụ Family Sharing của Apple, bạn có thể thiết lập Thời gian sử dụng cho con từ thiết bị của riêng mình. Thêm vào đó, Family Sharing cũng cho phép quản trị viên được chia sẻ ứng dụng, mua hàng, đăng ký ứng dụng với các thành viên khác trong gia đình, cũng như yêu cầu quyền truy cập với một số thành viên trước khi họ tải xuống hoặc thực hiện bất cứ giao dịch nào trong App Store hoặc iTunes.

4. Kích hoạt dịch vụ định vị

Thiết lập dịch vụ Family Sharing cũng giúp Người tổ chức, Cha mẹ hoặc Người giám hộ dễ dàng theo dõi vị trí của con sau khi bật Chia sẻ vị trí trong tính năng Find My (dịch vụ định vị thiết bị của Apple). Mở Cài đặt -> [nhấn vào tài khoản ở trên cùng] -> Find My -> bật tính năng Chia sẻ vị trí của tôi.

Sau khi tính năng Chia sẻ vị trí được bật, cha mẹ có thể theo dõi vị trí thiết bị của con từ ứng dụng Find My, trong khi chúng không cần phải chia sẻ vị trí của mình với từng thành viên trong gia đình.

Lưu ý: Hiện tại, người dùng không thể sử dụng tính năng Screen Time hay Family Sharing để quyết định ứng dụng và dịch vụ nào không nên theo dõi vị trí thiết bị. Thay vào đó, bạn phải thực hiện cài đặt thủ công trên thiết bị của con.

Truy cập Cài đặt -> Quyền riêng tư -> Dịch vụ định vị. Tại đây, cha mẹ có thể quyết định xem mình muốn Apple hoặc ứng dụng của bên thứ ba nào theo dõi lịch sử vị trí của con để cung cấp thông tin liên quan đến vị trí.

Lựa chọn Tắt hoàn toàn dịch vụ định vị hoặc cho phép/chặn từng ứng dụng cụ thể có quyền truy cập vào vị trí thiết bị của trẻ.

Lưu ý: Nếu bạn tắt Dịch vụ định vị thì cài đặt vị trí được cá nhân hóa thiết lập trong Family Sharing và Find My sẽ tạm thời được khôi phục nếu điện thoại của con bạn được đặt ở chế độ Lost Mode.

Nếu bật Dịch vụ định vị, bạn có thể tùy chỉnh vị trí cho từng ứng dụng được cài đặt trên thiết bị của con. Trong Dịch vụ định vị, việc nhấn vào từng ứng dụng sẽ cho phép bạn chọn thời điểm ứng dụng có thể truy cập vị trí thiết bị (Không bao giờ, Hỏi lần sau, Trong khi sử dụng ứng dụng, Luôn luôn), cũng như bật/ tắt chế độ theo dõi Vị trí chính xác.

5. Bảo mật trình duyệt

Bước cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng chính là bảo mật trình duyệt, nơi trẻ thường dành phần lớn thời gian khi truy cập internet. Các bậc phụ huynh có thể cài đặt quyền riêng tư và bảo mật trên trình duyệt Safari bằng cách:

  • Mở mục Cài đặt -> Safari, trong Quyền riêng tư và Bảo mật, cha mẹ có thể thiết lập các cài đặt như: Gửi cảnh báo tới con nếu một trang web mà chúng đang cố truy cập bị nghi ngờ là lừa đảo (trang web chứa thông tin xấu độc hoặc công cụ giả mạo nhằm khiến người dùng tiết lộ thông tin cá nhân).

Trên đây là 5 cách để thiết lập tính năng bảo mật cho trẻ nhỏ trên iPhone. Thực hiện đầy đủ và chính xác các bước bảo mật sẽ góp phần tạo nên hàng rào vững chắc bảo vệ con khỏi những mối nguy hiểm trên không gian mạng. Tuy nhiên, bên cạnh việc dựa vào sự hỗ trợ của công nghệ, cha mẹ cũng nên dành nhiều thời gian hơn cho con và hạn chế con tiếp xúc quá nhiều với điện thoại.

Chia sẻ lên:
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình Luận
Inline Feedbacks
View all comments