Sức khỏe có lẽ là một trong những thứ quan trọng nhất đối với mỗi người, nhất là trong thời buổi công nghệ hiện nay khi chúng ta ngày càng ngồi trong văn phòng “dán mắt” vào màn hình máy tính, smartphone. Chính vì thế, trong bài viết hôm nay, Diều Hâu sẽ mang đến cho các bạn những ứng dụng theo dõi sức khỏe tốt nhất (có hỗ trợ widget cho iOS 14).
Và nếu bạn cũng quan tâm đến nhiều ứng dụng khác trên iOS thì Diều Hâu cũng có chuyên mục những ứng dụng iOS/iPadOS miễn phí vào mỗi cuối tuần (tham khảo tại đây).
1. Personal Best Workouts: Ứng dụng theo dõi tập thể dục
Ứng dụng đầu tiên trong danh sách ngày hôm nay có tên Personal Best Workouts. Đây là một phần mềm sẽ đồng bộ hóa dữ liệu từ ứng dụng Sức khỏe trên iPhone để đưa ra các thông tin về quá trình tập thể thao của người dùng.
Ngay từ giao diện đầu tiên, Personal Best Workouts sẽ yêu cầu được cấp quyền sử dụng dữ liệu của “Sức khỏe”.
Vào bên trong phần mềm này, chúng ta có thể thấy được các thông tin liên quan đến sức khỏe, quá trình vận động của người dùng được hiển thị gần như toàn bộ theo các mốc thời gian (chẳng hạn như 7 ngày/30 ngày vừa qua). Với các mốc như 90/365 ngày hoặc toàn thời gian thì bắt buộc chúng ta phải bỏ thêm 109.000 đồng để mở khóa tính năng trọn đời.
Tại mục Insight, Personal Best Workouts sẽ hiển thị thống kê chi tiết về từng hoạt động thể thao. Ví dụ với chạy và đi bộ, ứng dụng sẽ cho biết thời gian trung bình thực hiện hoạt động đó, quãng đường đã đi, calo tiêu thụ… Tuy nhiên, một số danh mục như thời gian cụ thể trong ngày, lúc nào tiêu hao năng lượng nhiều/ít nhất, thời tiết khi thực hiện hoạt động,…(như trong hình) sẽ bị khóa.
Phía dưới sẽ có hai mục “Workout days” và “Your recent workouts”. Mục “Workout days” sẽ hiển thị thông tin liên quan đến quá trình tập thể thao của bạn theo dạng leaderboard (bảng xếp hạng).
Ở mục “Workout days”, bạn có thể tuỳ chỉnh cách hiển thị của mục này theo Distance (quãng đường), Duration (thời gian bạn tập), Energy Burned (năng lượng đã tiêu hao) và Number of workouts (số lượng các bài tập thể thao).
Trong khi đó, mục “Your recent workouts” sẽ hiển thị chi tiết về các hoạt động thể chất của bạn nhưng được phân ra thành các loại bài tập khác nhau (như trong hình bên dưới là đi bộ và chạy).
Trong phần cài đặt của ứng dụng này, chúng ta còn có thể điều chỉnh các đơn vị của quãng đường, năng lượng, nhiệt độ và đặc biệt là tùy chỉnh App icon (biểu tượng ứng dụng) theo sở thích của mình.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tự tạo bảng leaderboard mới (tại mục New Leaderboard) tùy theo tính chất của hoạt động thể thao mà bạn thực hiện.
Và tất nhiên, Personal Best Workouts cũng cung cấp các tùy chọn về widget trên các thiết bị iPhone chạy iOS 14 trở lên. Khá đáng tiếc là ứng dụng này chỉ cho phép chúng ta sử dụng 3 trên tổng số 5 loại widget (2 widget “Insight” bị khóa và cần mua bản Pro của Personal Best Workouts). Với 3 tùy chọn widget miễn phí, bạn có thể trực tiếp theo dõi các hoạt động thể chất của mình ngay tại màn hình chính của iPhone mà không cần phải vào ứng dụng.
Nhìn chung, Personal Best Workouts được xem là một phần mềm theo dõi sức khỏe khá đầy đủ các tính năng cơ bản như phân tích dữ liệu tập thể dục của người dùng, hiển thị thông tin dưới dạng bảng leaderboard, tạo bảng leaderboard để người dùng phấn đấu vượt qua các mục tiêu đề ra khi luyện tập và hỗ trợ widget. Điểm trừ duy nhất của Personal Best Workouts có lẽ là ứng dụng không hỗ trợ tiếng Việt.
Mặc dù người dùng phải bỏ 109.000 đồng để có thể sở hữu toàn bộ các tính năng trọn đời, nhưng đây là một số tiền không quá cao để đầu tư vào sức khỏe. Hơn nữa, nếu muốn trải nghiệm những tính năng cơ bản của ứng dụng, bạn có thể sử dụng phiên bản miễn phí. Cùng tải về và cho Diều Hâu biết cảm nghĩ của bạn về ứng dụng thú vị này nhé.
2. HabitMinder: Ứng dụng tạo/nhắc nhở thói quen cho người dùng
Nếu bạn đang mong muốn tạo lập những thói quen tốt cho sức khỏe thì ứng dụng HabitMinder sẽ rất phù hợp với bạn. Như tên gọi, ứng dụng này giúp bạn xây dựng những thói quen mới, đồng thời nhắc nhở để tránh việc bạn quên thực hiện chúng.
Ngay khi bắt đầu vào ứng dụng, HabitMinder cung cấp cho chúng ta rất nhiều các thói quen khác nhau liên quan đến sức khỏe, tinh thần, thể thao,… Để tạo một thói quen mới, bạn có thể làm theo hai cách sau:
- Lựa chọn một thói quen nào đó bất kỳ trong danh sách (như ở trong hình là thói quen chạy bộ) và thiết lập một số tùy chỉnh cho thói quen ấy.
- Tự tạo một thói quen không có trong mục đề xuất của ứng dụng. Để làm được vậy, bạn bấm chọn biểu tượng dấu cộng nằm phía dưới thanh công cụ → chọn “Create Custom Habit” và điều chỉnh một số cài đặt là xong.
Để tùy chỉnh thói quen, người dùng có thể chọn tần suất lặp lại thói quen theo ngày/tuần/tháng, đặt nhắc nhở mỗi ngày theo buổi, theo giờ,… Hay tùy biến icon (biểu tượng), màu icon cũng như âm thanh thông báo của thói quen đó.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tùy chỉnh thêm một số thứ như xem History (lịch sử hoàn thành thói quen này), Add (thêm thói quen mới) và Habit Settings (cài đặt chi tiết của thói quen).
Khi bạn chọn vào biểu tượng 2 đường zigzag nằm ở thanh công cụ phía dưới, bạn có thể thấy được quá trình hoàn thành các thói quen của mình (những gì chưa làm, đang trong quá trình hoặc chưa hoàn thành).
Tại phần cài đặt (biểu tượng bánh răng trên thanh công cụ), chúng ta cũng có thể điều chỉnh App Icon (biểu tượng của ứng dụng) và đặc biệt là cung cấp nhiều kiểu mặt đồng hồ mới trên Apple Watch (tại mục “Complications”).
Đặc biệt, trong mục Habit Settings, chúng ta có thể tạo Siri Shortcuts cho thói quen này. Mỗi khi chúng ta thực hiện một câu lệnh liên quan đến một thói quen bất kỳ qua Siri (đã thiết lập sẵn), Siri lập tức sẽ mở ứng dụng HabitMinder để người dùng thực hiện thói quen ấy.
Phiên bản miễn phí chỉ cho phép chúng ta tạo tối đa 3 thói quen. Để tạo nhiều hơn, người dùng phải trả một khoản tiền (229.000/mỗi năm hoặc 449.000 cho một lần trả). Tuy nhiên, điểm cộng là nhà sản xuất HabitMinder đã rất tâm lý khi cho phép người dùng có thể sử dụng thử đầy đủ tính năng miễn phí trong vòng 1 tuần để có thể quyết định có nên bỏ tiền ra mua hay không.
Cũng tương tự như Personal Best Workouts ở trên, HabitMinder cho phép người dùng tạo widget trên màn hình chính iPhone. Ứng dụng có đến 7 loại widget khác nhau (hiển thị quá trình thực hiện thói quen, các thói quen tiếp theo cần thực hiện,…).
Tóm lại, HabitMinder là một ứng dụng tạo thói quen rất đáng sử dụng. Ngoại trừ việc giao diện ứng dụng chỉ toàn tiếng Anh và giá tiền mở khóa các tính năng là khá cao (229.000/mỗi năm hoặc 449.000 cho một lần trả), HabitMinder có nhiều điểm cộng đáng chú ý như giao diện gọn, trực quan, các thao tác sử dụng không quá khó để làm quen và đa dạng các thói quen khác nhau để người dùng chọn hoặc người dùng có thể tự tạo cho riêng mình.
3. Quit Anger: Ứng dụng giúp kiểm soát cơn giận dữ của người dùng
Quit Anger chắc chắn là một phần mềm vô cùng phù hợp với những ai nóng tính, dễ “quạo”. Cách hoạt động của Quit Anger khá tương đồng với những ứng dụng giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ. Phần mềm này sử dụng các âm thanh thư giãn, những câu nói hay hoặc một số bài tập giúp người dùng thoải mái hơn.
Ngay từ giao diện đầu tiên, chúng ta có thể thấy được hai mục là “Anger Log” (ghi nhận những lần nổi nóng của người dùng) và “Angry right now?” (nút kích hoạt nhanh một số bài tập thư giãn ngẫu nhiên nếu người dùng đang quá nổi nóng).
Tại mục “Anger Log”, chúng ta cần bấm vào mục “New entry” để ghi nhận lại lần gần nhất chúng ta cảm thấy bực tức. Quit Anger sẽ hỏi những câu liên quan đến lúc bạn giận dữ, mốc thời gian bạn cảm thấy bực, nguyên nhân vì đâu, mức độ bực tức trên thang điểm 10, dấu hiệu nhận biết, lời nói khi bạn đang nổi nóng và cuối cùng là hậu quả.
Còn với mục “Angry right now”, đây sẽ là nơi giúp người dùng có thể kiểm soát được cơn nóng giận một cách nhanh nhất bằng những lời khuyên hoặc một số bài tập thể chất. Nếu bạn cảm thấy nó hữu dụng, bạn có thể chọn vào biểu tượng hình trái tim ở góc trên bên phải nhằm giúp Quit Anger ghi nhận lại phương thức giúp bạn cảm thấy bình tĩnh, từ đó ứng dụng sẽ tự động gợi ý phương thức đó cho những lần sau. Nếu như nó không giúp ích, bạn có thể chọn biểu tượng chữ x để thoát ra ngoài tìm cách thức khác.
Để xem các phương pháp khác, bạn bấm chọn mục “Tools” nằm ở dưới thanh công cụ của ứng dụng. Tại đây, có khá nhiều cách thức giúp bạn có thể kiểm soát cơn bực tức của mình như nghe âm thanh thư giãn, đọc các câu quote ý nghĩa, truyền cảm hứng, tập thở,… Tuy nhiên, sẽ có một số phương pháp bị khóa và tất nhiên bạn sẽ lại phải trả một khoản phí (cụ thể là 709.000 đồng/trọn đời, trong hình có giá khuyến mãi nhưng đã hết) để mở khóa các phương thức đó và cả tính năng Insights (Phân tích về cơn giận dữ của bạn).
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm hiểu kỹ hơn về các kiến thức (định nghĩa, nguyên nhân, hậu quả, các triệu chứng,…) liên quan đến sự bực tức ở con người.
Ở phần cài đặt của Quit Anger, chúng ta có thể kích hoạt khóa ứng dụng bằng FaceID, điều chỉnh một số cài đặt như nhắc nhở, thời gian nhắc nhở, theo dõi Mindful Minutes (những phút thư giãn được ứng dụng Sức khỏe trên iPhone ghi lại).
Quit Anger cũng cung cấp 3 tùy chọn widget để người dùng có thể thêm vào màn hình chính trên chiếc iPhone của mình, thuận tiện trong việc quan sát và truy cập ứng dụng.
Có thể nói Quit Anger là một trong những phần mềm theo dõi sức khỏe tinh thần đáng để trải nghiệm với giao diện thân thiện, dễ làm quen và có hỗ trợ widget cho iPhone.
4. FoodNoms: Ứng dụng quản lý chế độ ăn uống cho người dùng
Phần mềm cuối cùng trong danh sách ngày hôm nay mang tên FoodNoms, một phần mềm quản lý chế độ ăn uống của người dùng. Đây sẽ là một công cụ rất hay cho những người “chỉ cần thở cũng béo” hay “ăn cả thế giới nhưng vẫn gầy”.
FoodNoms sẽ sử dụng những dữ liệu ăn uống của bạn để từ đó đưa ra những chế độ dinh dưỡng hợp lý nhất, phục vụ cho việc giảm/tăng cân hoặc giữ vóc dáng.
Khi vào FoodNoms, đầu tiên, ứng dụng sẽ hỏi chúng ta về mục đích tải ứng dụng, các thông tin về chiều cao, cân nặng, giới tính, mức độ hoạt động,… Sau khi đã có đầy đủ thông tin cần thiết, FoodNoms sẽ đưa ra những mục tiêu về ăn uống (chẳng hạn như với thể trạng như vậy, bạn cần nạp bao nhiêu calories/protein/chất béo… trong một ngày) và sẽ yêu cầu cấp quyền thông báo (giúp bạn nhớ được mục tiêu ban đầu của mình khi tải ứng dụng này).
FoodNoms cũng sẽ có một gói đăng ký (119.000 đồng/tháng hoặc 699.000 đồng/năm) để sở hữu các tính năng như biểu đồ theo dõi quá trình ăn uống của bạn, theo dõi các loại nước bạn nạp vào cơ thể, tính toán các khẩu phần ăn,…
Sau khi hoàn thành các bước đầu tiên, việc chúng ta cần làm đó là nhập dữ liệu về đồ ăn mỗi khi chúng ta dùng bữa. Để làm được điều đó, bạn chọn vào mục “Log Food”. Nếu bạn sử dụng ứng dụng đủ lâu và tạo được một kho dữ liệu về đồ ăn mà bạn nạp vào, phần Smart Suggestions sẽ tự động gợi ý cho bạn những món ăn tốt cho sức khỏe mà bạn nên ăn.
Tại biểu tượng dấu cộng trên thanh công cụ phía dưới, chúng ta sẽ có các tùy chọn là Quick Entry (nhập dữ liệu về đồ ăn mua ở ngoài một cách nhanh chóng), Create Food (nhập thông tin cụ thể về một món ăn), Create Recipe (nhập dữ liệu về công thức nấu ăn) và Create Meal (nhập thông tin về một bữa ăn tự chuẩn bị tại nhà).
Chúng ta cũng có thể sử dụng tính năng Scan Nutrition Label, quét bảng giá trị dinh dưỡng của đồ ăn nếu như bạn không muốn nhập các thông tin dinh dưỡng bằng tay.
Bên cạnh đó, FoodNoms cũng có thêm tính năng Barcode Scan (quét mã vạch trên vỏ hộp của một số đồ ăn để từ đó tìm ra giá trị dinh dưỡng của chúng). Tính năng này khá hữu dụng trong một số trường hợp chúng ta không thể quét được bảng giá trị dinh dưỡng.
Cuối cùng, FoodNoms cũng hỗ trợ các tùy chọn widget cho người dùng, tương tự với 3 phần mềm ở trên.
Và vừa rồi là danh sách các ứng dụng theo dõi sức khỏe (có hỗ trợ widget cho iOS 14) mà bạn nên tải về trải nghiệm. Hy vọng bài viết vừa rồi sẽ giúp bạn tìm thêm được những ứng dụng thú vị cũng như biết cách để giữ gìn cho sức khỏe của bạn.